Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Nguồn gốc tranh chấp lãnh thổ Malaysia và Philippines

Cuộc giao tranh trên đảo Sulu giữa quân đội Malaysia và phiến quân đến từ Phillippines trong tuần qua dường như đánh thức quá khứ phức tạp tưởng chừng đã ngủ yêncủa vùng đất Sabah.


Khu vực Sabah và biển Sulu (trong hình bầu dục đỏ nhạt), nơi Malaysia và Philippines có tranh chấp chủ quyền suốt nhiều năm qua. Đồ họa: Mapsnworld


Vào cuối thế kỷ thứ 17, một Vương quốc Hồi giáo thiết lập quyền lực trên khu vực phía đông của bang Sabah (thuộc Malaysia ngày nay), được biết đến với tên gọi Bắc Borneo. Vùng đất này, bao gồm tỉnh Sabah ngày nay và một số đảo nhỏ nằm giữa Malaysia và Phillippines, được quốc vương Brunei ban tặng cho quốc vương Sulu như sự tưởng thưởng vì đã giúp dẹp trừ quân nổi dậy.

Đến thế kỷ 18, vương quốc Sulu đã bao phủ gần hết phần đông bắc của đảo Borneo (hòn đảo đang được chia sẻ cho các quốc gia Malaysia, Indonesia và Brunei).

Từ năm 1848 đến 1851, người Tây Ban Nha lúc ấy đang cai trị Phillipines đã mở các cuộc tấn công nhằm chinh phục vương quốc Sulu. Ngày 30/4/1851 đánh dấu một bước ngoặt với vùng đất này khi quốc vương Sulu chấp nhận ký vào bản thoả ước với người Tây Ban Nha. Qua đó, quốc vương Sulu vẫn giữ được quyền cai trị và đất đai nhưng toàn bộ vương quốc phải trở thành một phần của Phillipines (thuộc Tây Ban Nha lúc bấy giờ).

Ngày 21/1/1878, với sự nhất trí của Anh và Tây Ban Nha, vương quốc Hồi giáo Sulu đã ký một thoả thuận với Công ty Đông Ấn của Anh, cho phép người Anh được sử dụng Sabah trong trao đổi hàng hoá vĩnh viễn để nhận được khoản chu cấp tài chính hàng năm trị giá 5.000 ringgit (đơn vị tiền tệ của Malaysia).

Công ty Đông Ấn sau đó đã được sáp nhập vào Công ty Bắc Borneo. Ngày 22/4/1903, quốc vương Sulu ký một văn kiện mới với công ty này. Nội dung cơ bản là "xác nhận nhượng lại một số đảo xác định" để chính thức trao toàn quyền quản lý các đảo nằm kề Borneo, từ Banggi Island đến Sibuku Bay, cho người Anh. Và mức phí phải đóng hàng năm tăng lên là 5.300 ringgit.

Tới năm 1946, toàn bộ quyền kiểm soát đối với Sabah được chuyển giao cho nước Anh, lúc bấy giờ đang sở hữu hai thuộc địa khác tại khu vực là Malaysia và Brunei.

Khi Liên bang Malaysia giành được quyền độc lập từ người Anh năm 1963, vùng đất cũ của người Sulu đã được vương quốc Anh bàn giao cho chính quyền mới của người Mã Lai.

Tuy nhiên, trước đó, Phillippines đã cử đại diện tới London để nhắc chính quyền Anh quốc rằng Sabah thuộc về Phillippines theo thoả thuận cũ giữa vương quốc Sulu với chính quyền Tây Ban Nha tại Phillippines. Hơn thế nữa, vào năm 1962, quốc vương Sulu cũng đã tuyên bố chuyển giao quyền quản lý vùng lãnh thổ này (về mặt danh nghĩa) cho Phillipines.

Các nhà phân tích cho rằng, việc tranh chấp bắt nguồn từ nghĩa của từ “padjak” trong thoả ước 1878 giữa vương quốc Sulu và Tây Ban Nha. Theo Anh và Malaysia, từ này có nghĩa là “chuyển nhượng”. Nhưng những người thừa kế của quốc vương Sulu một mực cho rằng nó có nghĩa là “cho thuê”.

Tuy nhiên, cho đến nay Malaysia vẫn tiếp tục chi trả khoản tiền tượng trưng trị giá 5.300 ringgit cho gia đình của quốc vương, những người chủ sở hữu mang tính biểu tượng nhưng không có quyền lực chính trị chính thức nào tại đây.

Cảnh sát bắt giữ hai tay súng khi đang rút chạy khỏi cuộc đột kích ngày 6/3


Cuộc xung đột vừa qua bắt nguồn từ những đòi hỏi của Jumalul Kiram III, một người thừa kế tự phong của quốc vương Sulu, tại Phillippines. Jumalul Kiram III đưa ra một loạt yêu cầu về tính chính danh và gia tăng mức phí hàng năm.

Năm 2003, Phillippines cũng từng đưa tranh chấp này ra trước Toà án công lý quốc tế nhưng bị từ chối vì sự việc không được xem là tranh chấp, trên cơ sở sự từ bỏ quyền sở hữu của quốc vương Sulu qua các văn kiện đã ký. Hơn nữa, khi người Anh trao trả quyền độc lập cho Malaysia, người dân tại bang Sabah đã tiến hành bỏ phiếu và đồng ý thuộc về Liên bang Malaysia. Tranh chấp này vốn là cái gai trong mối quan hệ của hai quốc gia thành viên ASEAN nhiều thập kỷ qua.

Không có nhận xét nào:

DBS M05479
Quang Cao