Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

NASA đề xuất xây dựng Trạm vũ trụ ở mặt tối của Mặt Trăng

Sau hơn 40 năm chỉ thực hiện các chương trình nghiên cứu với sự có mặt của con người trong phạm vi quỹ đạo Trái Đất, đến nay, Cơ quan hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ - NASA – đã quyết định bắt đầu quay trở lại với nhiệm vụ đưa con người lên khoảng không vũ trụ. Sứ mệnh mới mà NASA tự đặt ra đó là xây dựng một trạm vũ trụ ở ngoài quỹ đạo của Mặt Trăng quanh Trái Đất. Nếu nhiệm vụ này thành công, đây sẽ là nhiệm vụ đưa con người đi xa khỏi Trái Đất nhất từ trước đến nay.


Điểm Lagrange 2 (L2) là nơi NASA dự định đặt trạm vũ trụ.

Theo những tài liệu được công bố trên tạp chí Orlando Sentinel thì mục tiêu của các nhà khoa học là muốn tạo ra một tiền trạm để nghiên cứu Mặt Trăng của chúng ta. Ngoài ra, trạm vũ trụ này sẽ đảm đương trách nhiệm đưa con người vào khoảng không để nghiên cứu các thiên thạch cũng như một bàn đạp để chuẩn bị cho nhiệm vụ đưa con người đặt chân lên sao Hỏa.

Bản đồ sơ sơ lược của nhiệm vụ này đã được lãnh đạo của NASA, ông Charlie Bolden, đệ trình lên Nhà Trắng vào tháng 9 vừa qua. Những nhà khoa học tại NASA đã xây dựng một kế hoạch để tạo nên một khu vực trong khoảng không có thể đưa con người lên cư trú. Vị trí được chọn để tạo nên trạm vũ trụ này là điểm Earth – Moon Lagrange 2 (EML-2). Vị trí được chọn cách điểm xa nhất của Mặt Trăng là 38.000 dặm (61.000 km) và cách Trái Đất của chúng ta khoảng 277.000 dặm ( 446.000 km). Điểm Lagrange 2 là vị trí thích hợp để đặt trạm vũ trụ vì tại vị trí này lực hút của Trái Đất và Mặt Trăng sẽ cân bằng nhau, do đó, tại vị trí này, vật thể sẽ đứng yên tương đối.





Trạm vũ trụ EML-2 sẽ được lắp ráp là một trạm vũ trụ quốc tế, sử dụng module của Nga và một vài bộ phận lấy từ Ý. Hệ thống Phóng tàu vũ trụ SLS của NASA được xếp lịch trình sẽ khởi động vào năm 2017, chuyến bay này được tính toán sẽ đến điểm Lagrange 2 vào năm 2019 mang theo trang thiết bị cũng như phi hành đoàn,

Trong bản kế hoạch về Trạm vũ trụ EML-2, Charlie Bolden đã lập kế hoạch về những cuộc nghiên cứu thiên thạch, dự định cho đến năm 2022 sẽ cho robot thăm dò lên Mặt Trăng và đưa mẫu vật nghiên cứu về trạm vào và một nhiệm vụ không tưởng đưa con người đến sao Hỏa. Theo tạp chí Orlando Sentinel, lợi ích lớn nhất mà trạm vũ trụ EML-2 mang lại cho loài người là tiến một bước nhỏ trong quá trình khám phá vũ trụ bao la. Điểm Lagrange là vị trí có thể được coi là an toàn để bước tiếp vào vũ trụ, nghiên cứu xây dựng tàu vũ trụ và những chuyến bay vũ trụ mà ít gặp rủi ro nhất.





Nếu như kế hoạch về Trạm vũ trụ EML-2 được phê duyệt, các nhà khoa học tại NASA sẽ phải nỗ lực hết sức để hoàn thành đúng kế hoạch. Trên thực tế, EML-2 mới chỉ là một kế hoạch được viết trên giấy và để thực hiện được sứ mệnh này, NASA không chỉ cần đến tiền bạc mà còn phải lo lắng rất nhiều đến việc thiết kế cho trạm vũ trụ không tưởng này.





Vấn đề đầu tiên mà NASA sẽ phải đương đầu là thiết kế lại Tàu Orion để có thể vận chuyển trang thiết bị cũng như phi hành đoàn lên điểm Lagrange 2. Hơn nữa, những nhà khoa học sẽ phải xây dựng một lá chắn chống bức xạ Mặt Trời cực kỳ vững chắc cũng như những bộ cảm ứng nhanh nhạy có thể ngay lập tức cảnh báo cho phi hành đoàn của EML-2 về những thay đổi tại môi trường xa lạ này. Một vấn đề khác chính là lập trình một hệ thống điều khiển tinh vi, chính xác tuyệt đối cho trạm vũ trụ EML-2. Cuối cùng, một vấn đề tưởng chừng vô cùng nhỏ nhặt nhưng lại không kém phần quan trọng đó là nghiên cứu cách lưu trữ lương thực cũng như phương pháp đông lạnh thức uống để đảm bảo khả năng làm việc trong thời gian dài cho các phi hành gia.





Dự án EML-2 ước tính sẽ tiêu tốn của chính phủ Mỹ 3 tỷ USD/năm. Dự án này hứa hẹn sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong những nghiên cứu về vũ trụ, tuy nhiên, chưa rõ chính phủ Mỹ có phê duyệt cho dự án tốn kém này hay không.

Tham khảo: Gizmag
Quang Cao