Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Những lầm tưởng về nano sim



Trong những ngày qua, không chỉ iPhone 5 mà chính nano sim mà nó sử dụng đang trở thành một đề tài nóng hổi. Có người cho rằng đây là chuẩn riêng và Apple đang cố ý làm khó người tiêu dùng. Nhưng liệu bạn có thực sự hiểu hết về nano sim hay tất cả chỉ là suy đoán?

Nano sim không nhằm mục đích làm khó người dùng:


Trong thế giới mà kích thước điện thoại đang có chiều hướng tỉ lệ nghịch với chức năng nó mang lại, nhà sản xuất luôn muốn thu gọn các bộ phận không cần thiết để có thể nhồi nhét các linh kiện quan trọng. Với vòng nhựa bao quanh gần như vô dụng, sim điện thoại là mục tiêu lớn nhất. Từ kích thước chuẩn đến mini sim (chính là loại chúng ta thường sử dụng hiện nay), micro sim cho tới nano sim của iPhone 5, sự thay đổi là không thể tránh khỏi. Vấn đề chỉ là sớm muộn (hiện nay) và ai sẽ là người khai hỏa đầu tiên (Apple).

Nano sim không phải của riêng Apple:


Không phủ nhận Apple chính là hãng đề xuất thiết kế của nano sim nhưng ETSI (European Telecommunications Standards Institute) mới chính là hiệp hội thông qua tiêu chuẩn này. Được đăng kí dưới dạng FRAND, Apple buộc phải cấp quyền sử dụng nano sim cho bất cứ hãng nào có nhu cầu, dù có muốn hay không. Do Apple đã tuyên bố sẽ không thu phí bản quyền, chẳng có lý gì ngăn cản hãng khác sử dụng chuẩn nano sim trừ khi bản thân họ không muốn mà thôi.

Apple không phải là hãng duy nhất trong cuộc chơi nano sim:

Nếu Nokia thắng trong cuộc chiến nano sim thì Lumia 920 đã không dùng micro sim


iPhone 5 là điện thoại đầu tiên sử dụng nano sim khiến nhiều người hiểu lầm rằng chính Apple đã làm khó người tiêu dùng. Thực tế là nếu không phải Apple thì Nokia, RIM hay Motorola sẽ trở thành người chiến thắng trong cuộc đua nano sim. Giả sử Lumia 920, điện thoại dùng BlackBerry 10 hay Droid RARZ HD mới là thiết bị đầu tiên sử dụng nano sim, phản ứng của bạn sẽ như thế nào? Liệu có gay gắt như hiện nay hay quay mặt làm ngơ như chẳng có gì?

Lời kết:

Sự chuyển đổi sang nano sim đúng là gây rất nhiều bất tiện đối với người sử dụng Việt Nam chúng ta nhưng đó là một bước phát triển cần thiết. Bạn không thể cứ ôm mãi quá khứ mà chối bỏ cái mới được. 

Nhìn rộng hơn nữa, bạn có biết chuẩn Blu-ray hiện nay dựa trên bản quyền sáng chế của Sony, liệu chúng ta có thể xem như họ độc quyền và làm khó người dùng được hay không? Bản thân Microsoft cũng có thể đăng kí dùng blu-ray cho máy Xbox 360 nhưng vẫn ôm lấy DVD, phải chăng lý do đơn giản là vì họ chính là hãng ủng hộ chuẩn HD-DVD quá cố?

Theo PCWorld và ETSI
Quang Cao